CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ, THU HÚT NGUỒN VỐN CHO PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU GIẢM PHÁT THẢI RÒNG

Đóng góp ý kiến vào định hướng chiến lược phát triển ngành điện đạt mục tiêu giảm phát thải ròng vào năm 2050, ông Hoàng Tiến Dũng- Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nêu quan điểm, cần được chú trọng đầu tư, thu hút nguồn vốn từ ở trong và ngoài nước cho phát triển điện lực…

Theo Quy hoạch điện VIII, hệ thống điện Việt Nam sẽ phát triển theo hướng chuyển dịch năng lượng bền vững, thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết:  Chuyển dịch năng lượng bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng và giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế – xã hội – môi trường là một xu hướng tât yếu ở quy mô toàn cầu mà Việt Nam đã kịp thời nắm bắt và thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là quá trình đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập cả ở góc độ chính sách, quản trị, tài chính, công nghệ; đồng thời đòi hỏi phải có được một kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 phù hợp, khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Quốc hội Việt Nam cùng với các cơ quan khác trong hệ thống chính trị luôn quan tâm, hết sức tích cực trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật và giám sát nhằm thực hiện các cam kết quốc tế, chiến lược, kế hoạch quốc gia về ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan của Quốc hội được phân công phụ trách và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc chủ trì, phối hợp thẩm tra, giám sát, kiến nghị thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng bền vững nói chung. Ủy ban có trách nhiệm trực tiếp giúp Ủy ban Thường vu Quốc hội và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.

Một trong những nhiệm vụ của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021” là tiếp nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách luật pháp, khung pháp lý liên quan đến thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII, định hướng chiến lược phát triển ngành điện đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đóng góp ý kiến vào định hướng chiến lược phát triển ngành điện đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Ngành điện Việt Nam đã không ngừng phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Công suất của hệ thống điện và nhu cầu điện thương phẩm tăng đều đặn qua từng năm với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trung bình cả giai đoạn 2011-2020 đạt 10,5%/năm. Thống kê cho thấy sản lượng điện tăng gấp 2,3 lần sau 10 năm, từ 93 tỷ kWh vào năm 2011 lên tới 215 tỷ kWh năm 2020.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.

Trong giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng đạt 10,9%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 10,1% (riêng năm 2020 chỉ đạt 3,4% do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19). Hệ thống điện liên tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp và nâng cao trình độ vận hành giúp giảm nhanh tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống. Năng lượng tái tạo phát triển mạnh trong những năm gần đây, đưa tỷ trọng các nguồn điện gió và mặt trời chiếm khoảng 25% tổng công suất toàn hệ thống điện, góp phần đa dạng hóa nguồn điện, được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Cơ cấu nguồn điện đang phụ thuộc nhiều sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tiến Dũng, bức tranh phát triển ngành điện không chỉ có những gam màu sáng, vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tiềm ẩn rủi trong cung cấp năng lượng sơ cấp; hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường; các nguồn điện lớn tiếp tục chậm tiến độ, công tác phát triển lưới điện gặp nhiều khó khăn do giải phóng mặt bằng ngày càng phức tạp… Thêm vào đó, cơ cấu nguồn điện hiện tại đang phụ thuộc nhiều vào các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (chỉ riêng nhiệt điện than đã chiếm khoảng 45% tổng sản lượng điện hệ thống). Đây là các nguồn điện phát thải nhiều khí CO2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội khảo sát thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, năm 2020, ngành điện phát thải khoảng 115 triệu tấn, trong đó nhiệt điện than chiếm khoảng 60%, gây tác động lớn tới môi trường. Hiện nay, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Những đề án này bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, nhằm đảm đảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho đất nước với chi phí hợp lý và đáp ứng các yêu cầu về môi trường; phát triển ngành điện nhanh và bền vững; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới…; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về phát thải bằng “0” vào năm 2050.

Lượng phát thải khí CO2 dự kiến giảm xuống còn 30-35 triệu tấn vào năm 2050

Quy hoạch điện VIII được xây dựng từ năm 2020, đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, công khai, được thẩm định kỹ lưỡng, có nhiều nét mới và đã bám sát chủ trương, định hướng nêu tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế – xã hội, sinh hoạt của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Quy hoạch điện VIII cũng góp phần nâng cao tính tự chủ của ngành điện, khai thác tối đa nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nước ngoài. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. Ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường.

Việc khảo sát để tìm hướng chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang dạng năng lượng tái tạo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng. 

Quy hoạch điện VIII cũng khai thác tối đa tiềm năng thuỷ điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng. Nghiên cứu các loại hình năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, sóng biển… Ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước; Phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro.

Theo ông Hoàng Tiến Dũng, đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro. Không xây dựng mới nhà máy nhiệt điện than sau năm 2030. Các nhà máy nhiệt điện than đã hết đời sống kinh tế và công nghệ cũ sẽ dừng hoạt động, định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối/amoniac sau 20 năm vận hành. Định hướng đến năm 2050, dừng sử dụng than cho phát điện. Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; hướng tới cân bằng nội vùng cao nhất, giảm truyền tải điện đi xa, giảm tổn thất điện năng; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền; Tăng cường nhập khẩu điện trực tiếp từ các nước láng giềng trong trung và dài hạn, quan tâm đầu tư, khai thác các nguồn điện tại nước ngoài để cung ứng điện về Việt Nam. Nghiên cứu kết nối liên kết hệ thống điện ở thời điểm phù hợp. Đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở các quan điểm phát triển ngành nêu trên, Quy hoạch điện VIII xây dựng chương trình phát triển điện lực với mục tiêu cao nhất đảm bảo an ninh cung cấp điện và đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Có thể thấy, cơ cấu nguồn điện có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn điện năng lượng tái tạo, xanh và bền vững. Khoảng 50-60% tổng sản lượng điện sẽ được cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2050. Với chương trình phát triển nguồn điện này, lượng phát thải khí CO2 dự kiến đạt đỉnh 240 triệu tấn vào năm 2035 và giảm xuống còn 30-35 triệu tấn vào năm 2050, góp phần đảm bảo các cam kết với quốc tế về phát thải bằng “0” vào năm 2050.

Ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định: Với một số nội dung về định hướng chiến lược phát triển điện lực Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, thể hiện rõ nét sự chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch và xanh. Dẫu còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội và thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 nhưng chắc chắn rằng xu hướng chuyển dịch năng lượng xanh là tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, tổng nguồn vốn cho phát triển điện lực, phát triển nguồn điện là rất lớn nên cần được chú trọng đầu tư, thu hút nguồn vốn từ ở trong và ngoài nước./.

Nguồn: quochoi.vn

Translate »